Công nghệ Robocon

Tầm quan trọng về hiệu quả của bộ cảm biến IMU đối với cuộc thi Robocon 2013

    IMU (Inertial Measurement Unit) là thiết bị được kết hợp từ hai bộ cảm biến Accelerometer (cảm biến gia tốc) và cảm biến Gyroscope (cảm biến con quay hồi chuyển) có chức năng cung cấp thông tin về góc quay và độ nghiêng giúp cho việc giữ thăng bằng của hệ thống tự động như robot vượt địa hình, máy bay… Để có thể nắm được nguyên tắc hoạt động và cấu tạo của IMU chúng ta cần tìm hiểu cấu tạo và nguyên tác hoạt động của hai bộ cảm biến bên trong đó là cảm biến gia tốc (Acc) và cảm biến con quay hồi chuyển (Gyro).

      Hiện nay bộ cảm biến IMU được sử dụng rất rộng rãi trong lĩnh vực robot, bộ cảm biến này kết hợp với các cảm biến như siêu âm, laser, camera để hình thành nên một hệ cảm biến giúp cho robot có thể thu thập các thông tin về môi trường bên ngoài. Mỗi cảm biến có một chức năng riêng, có ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc kết hợp nhiều loại cảm biến lại cho phép robot có được nhiều nguồn dữ liệu tin cậy từ đó đưa ra những quyết định chính xác hơn. Đối với các robot di chuyển trong môi trường có địa hình phức tạp, lồi lõm thì IMU là bộ cảm biến không thể thiếu để giúp cho việc giữ thăng bằng của robot tránh di chuyển vào những địa hình làm cho robot bị lật úp lại.

      Đối với cuộc thi Robocon hiện tại các đội đến từ những nước mạnh về khoa học kỹ thuật như Nhật, Trung Quốc, HongKong, Thai Lan... bộ cảm biến IMU (Gyro và Accelerometer) được sử dụng rất phổ biến cho việc định vị. Hầu như robot của các đội này không dựa vào đường vạch trắng (line) để di chuyển trên sân, các robot này sử dụng bộ cảm biến IMU để quản lý góc quay, hướng di chuyển…kết hợp với encoder để kiểm soát quỹ đạo. Điều này giúp cho việc di chuyển, quay của robot được chính xác hơn không phụ thuộc vào màu sắc tại các vùng sân khác nhau. Việc kiểm soát tốt được quỹ đạo di chuyển cho phép các đội có thể lập trình chạy tự động cho các robot điều khiển bằng tay, điều này sẽ hạn chế sự ảnh hưởng về mặt tâm lý thi đấu và kỹ năng của các thành viên điều khiển robot. Đối với robot tự động phương pháp điều khiển này cho phép robot có thể di chuyển trên sân thi đấu theo những quỹ đạo zig zag không phụ thuộc vào vạch trắng và quãng đường di chuyển cũng ngắn hơn.

     Qua nhiều lần tham gia cuộc thi Robocon Châu Á Thái Bình Dương các chỉ đạo viên của trường cũng nhận thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ này vào robot, đã có những nghiên cứu không thành công về IMU trước đây nhưng hiện tại những khó khăn về mặt linh kiện, khả năng xử lý của bộ vi điều khiển… đã được cải thiện và đã có được những thành công ban đầu về bộ cảm biến này. Có thể khẳng định việc nghiên cứu thành công bộ cảm biến IMU sẽ tạo nên một cuộc chạy đua về công nghệ tiếp theo trong cuộc thi Robocon năm 2013 giữa các trường đại học. Theo các chỉ đạo viên giàu kinh nghiệm thì đây sẽ là một bước ngoặc giúp cho các bạn sinh viên trong nước có cơ hội tiếp cận với kỹ thuật điều khiển robot của các đội tại những nước phát triển về khoa học kỹ thuật trong khu vực.

Lê Hoàng Anh

robocon, cong nghe robot, công nghệ robocon, robo, robocon 2013, Lạc Hồng, Lê Hoàng Anh


        • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
        • Điện thoại: 0251 3952 778
        • Email: lachong@lhu.edu.vn
        • © 2023 Đại học Lạc Hồng
          1,908,458       1/909